Lịch sử RAND Corporation

Dự án RAND

RAND được thành lập sau khi các thành viên trong Bộ Chiến tranh, Phòng Nghiên cứu và Phát triển Khoa học và giới doanh nghiệp bắt đầu thảo luận về sự cần thiết phải có một tổ chức tư nhân để kết nối vận trù học với các đề án nghiên cứu và phát triển.[6] Vào ngày 1 tháng 10 năm 1945, Dự án RAND được xây dựng theo hợp đồng đặc biệt cho Công ty sản xuất máy bay Douglas và bắt đầu hoạt động vào tháng 12 năm 1945.[17] Vào tháng 5 năm 1946, báo cáo mang tên "Thiết kế sơ bộ tàu vũ trụ vòng quanh thế giới thử nghiệm" (Preliminary Design of an Experimental World-Circling Spaceship) đã được công bố.[18] Đây là tiền đề của việc nghiên cứu việc phóng vệ tinh và mở ra ngành khoa học không gian sau này.

Tổ chức RAND Corporation

Đến cuối năm 1947, công ty Douglas Aircraft đã bày tỏ quan ngại rằng mối quan hệ chặt chẽ của họ với RAND có thể tạo ra xung đột lợi ích đối với các hợp đồng phần cứng trong tương lai. Vào tháng 2 năm 1948, Tham mưu trưởng của Không quân Hoa Kỳ (mới thành lập năm 1947) đã phê chuẩn sự phát triển của Dự án RAND thành một tập đoàn phi lợi nhuận, độc lập với công ty Douglas, mang tên "RAND Corporation".[6]

Vào ngày 14 tháng 5 năm 1948, RAND được thành lập như một công ty phi lợi nhuận theo luật của Bang California và vào ngày 1 tháng 11 năm 1948, hợp đồng "Dự án RAND" được chính thức chuyển từ Douglas sang Tập đoàn RAND.[6] Nguồn vốn cho việc chuyển dự án này được tài trợ bởi Quỹ Ford (Ford Foundation).

Từ những năm 1950, những nghiên cứu của RAND đã giúp tư vấn các quyết định chính sách của Hoa Kỳ về nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm cuộc chạy đua vào không gian, cuộc đối đầu vũ khí hạt nhân giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, các chương trình phúc lợi xã hội như Xã hội Vĩ đại (Great Society), cuộc cách mạng kỹ thuật số và các chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia.[19] Đóng góp nổi bật nhất của RAND là học thuyết răn đe hạt nhân bằng cách chiến lược "bảo đảm hủy diệt lẫn nhau" (Mutually assured destruction – MAD), được phát triển dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ Robert McNamara và dựa trên công trình nghiên cứu của RAND là lý thuyết trò chơi.[20] Chiến lược gia trưởng Herman Kahn cũng đưa ra ý tưởng về một cuộc trao đổi hạt nhân "có thể chiến thắng" trong cuốn sách "Về chiến tranh nhiệt hạch" (On Thermonuclear War) năm 1960. Điều này dẫn đến việc Kahn là một trong những hình mẫu cho nhân vật chính của bộ phim Dr. Strangelove, còn tổ chức RAND được đặt tên trong phim là "BLAND Corporation".[21][22]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: RAND Corporation http://www.historyofinformation.com/detail.php?id=... http://articles.latimes.com/2000/apr/30/local/me-2... http://articles.latimes.com/2007/apr/12/local/me-k... http://www.newyorker.com/archive/2003/05/12/030512... http://www.smmirror.com/Volume1/issue19/rand_and_t... http://www.smmirror.com/Volume1/issue20/rand_and_t... http://www.smmirror.com/Volume1/issue23/rand_and_t... http://www.smmirror.com/volume1/issue21/rand_and_t... http://www.smmirror.com/volume1/issue22/rand_and_t... http://www.ksg.harvard.edu/iop/students_internship...